Giới thiệu về LB Nga

Liên Bang Nga

I. KHÁI QUÁT CHUNG:

1. Tên nước: Liên bang Nga (Russian Federation).

2. Thủ đô: Mát-xcơ-va (Moscow).

3. Ngày Quốc khánh: 12 tháng 6 năm 1990 (Ngày Tuyên bố chủ quyền).

4. Vị trí địa lý: Nằm ở phía Bắc Lục địa Á-Âu; phía Đông tiếp giáp Bắc Thái Bình Dương; phía Tây tiếp giáp với Đông và Bắc Âu; phía Bắc tiếp giáp với Bắc Băng Dương; phía Nam tiếp giáp với các nước Cáp-ca-dơ, Trung Á và Đông Bắc Á.

5. Diện tích : 17.075.400 km(đứng thứ nhất trên thế giới).

6. Khí hậu : Cận Bắc Cực và Ôn đới; nhiệt độ trung bình năm: -1 độ C.

7. Dân số142,9 triệu người (theo Tổng điều tra dân số 2010).

8. Dân tộcTrên 180 dân tộc, trong đó người Nga chiếm 77,7%, người Tác-ta - 3,7%, người U-crai-na - 1,35%... (theo Tổng điều tra dân số 2010)

9. Ngôn ngữ: Tiếng Nga.

10. Đơn vị tiền tệĐồng Rúp (Rouble)

11. Tôn giáo: Cơ đốc giáo Chính thống (75% dân số), Hồi giáo (5% dân số) và các tôn giáo khác như Phật giáo, Do thái giáo, Tin lành… (số liệu thăm dò dư luận do VSIOM công bố tháng 3/2010)

12. Thể chế Theo Hiến pháp năm 1993, Nga là Nhà nước Pháp quyền Dân chủ liên bang, gồm 83 chủ thể (nước cộng hòa, tỉnh, tỉnh tự trị…). Bộ máy nhà nước được tổ chức theo hình thức Cộng hòa Tổng thống, Tổng thống được trao nhiều quyền hạn.

 

II. QUAN HỆ VỚI VIỆT NAM:

- Ngày 30/01/1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.

- Ngày 16/6/1994, Việt Nam và Liên bang Nga ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ trong giai đoạn phát triển mới.

- Ngày 01/03/2001, Việt Nam và Nga ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược.

1. Quan hệ chính trị

Quan hệ chính trị Việt – Nga có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm Nga (từ năm 2001):

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức Nga tháng 10/2002 và tháng 7/2010. Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm chính thức Nga tháng 5/2004; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Nga tháng 8/2008, dự Lễ kỷ niệm 65 năm chiến thắng phát xít tại Mát-xcơ-va và thăm địa phương Nga tháng 5/2010. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Nga tháng 9/2007 và thăm làm việc tháng 12/2009. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm chính thức Nga tháng 1/2003; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nga tháng 4/2009.

Lãnh đạo cấp cao Nga thăm Việt Nam (từ năm 2001):

Tổng thống Nga V. Pu-tin thăm chính thức Việt Nam tháng 3/2001 và tháng 11/2006; Tổng thống Nga Đ. Mét-ve-đép thăm chính thức Việt Nam và dự Cấp cao ASEAN - Nga lần hai tháng 10/2010. Thủ tướng Nga M. Ca-xia-nốp thăm Việt Nam tháng 3/2002; Thủ tướng Nga M. Phờ-rát-cốp thăm chính thức Việt Nam tháng 2/2006. Chủ tịch Hội đồng Liên bang X. Mi-rô-nốp thăm chính thức Việt Nam tháng 1/2005.

Từ năm 2008 Việt Nam và Nga thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược ngoại giao - an ninh - quốc phòng thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao (đến nay đã tiến hành 4 lần). Ngoài ra, hai bên tiến hành tham vấn chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao và cấp Cục, Vụ trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.

Hai Bên đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, APEC, ARF...; đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN - Nga. Cấp cao ASEAN - Nga lần hai đã diễn ra thành công tại Hà Nội tháng 10/2010. Việt Nam đã hỗ trợ tích cực để Nga chính thức được kết nạp vào ASEM tháng 10/2010 và tham gia Cấp cao Đông Á từ năm 2011.

2. Hợp tác kinh tế

Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Liên bang Nga thời gian qua phát triển năng động, dù vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hai nước.

Hai nước duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật (Khóa họp lần thứ 14 diễn ra tháng 9/2010 tại Mát-xcơ-va) và Họp đồng Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ (cuộc gặp hai Đồng Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ diễn ra tháng 11/2011 tại Hà Nội). Hội đồng doanh nghiệp Việt – Nga được thành lập nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư cho công đồng doanh nghiệp hai nước. Việt Nam và Nga đã công nhận lẫn nhau có nên kinh tế thị trường năm 2007.

a. Thương mại

Thương mại hai chiều, từ chỉ khoảng 350 - 400 triệu USD giữa những năm 1990, đã đạt 1,828 tỷ USD năm 2010, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 829 triệu USD, nhập khẩu đạt 999,1 triệu USD. Kim ngạch thương mại năm 2011 đạt 1,98 tỷ USD tăng 8,1% so với năm 2010, trong đó xuất khẩu đạt 1,28 tỷ USD, nhập khẩu đạt 694 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm điện thoại, may mặc, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng nhập khẩu chính gồm xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị các loại…

Một số vướng mắc trong hợp tác thương mại như vấn đề kiểm soát chất lượng nông, thủy, hải sản xuất khẩu của Việt Nam, vấn đề thanh toán xuất nhập khẩu đã và đang dần được tháo gỡ. Việt Nam và các nước Liên minh thuế quan (Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan) đang tiến hành nghiên cứu khả thi về việc thành lập khu vực mậu dịch tự do, tiến tới bắt đầu đàm phán trong thời gian tới.

Năm

Kim ngạch

(triệu USD)

Tăng trưởng kim ngạch (%)

Xuất khẩu của VN

(triệu USD)

Nhập khẩu của VN

(triệu USD)

2006

869,97

-14,7

413,21

456,76

2007

1010,57

16,2

458,45

552,12

2008

1641,52

62,4

671,95

969,57

2009

1829,62

11,5

414,89

1414,73

2010

1828,77

0

829,7

999,07

2011

1981

8,1

1287

694

 

(Nguồn: Tổng cục Hải quan)

b. Đầu tư

Tính đến hết tháng 11/2011, Nga có 76 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 933,9 triệu USD, đứng thứ 23 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo... Đầu tư của Việt Nam sang Nga hiện đạt 776 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, tiếp đó là ngân hàng, thương mại... (nguồn: Cục Đầu tư Ngoài nước)

c. Hợp tác năng lượng

Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Việt Nam và Nga. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, hai nước đã thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba. Liên doanh Rusvietpetro đã khai thác dòng dầu thương mại đầu tiên tại mỏ Bắc Khô-xê-đa-út, Nga tháng 9/2010 và tại mỏ Vi-xô-vôi, Nga tháng 7/2011. Hai nước đã đạt được thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới và hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam. Ngày 31/10/2010 hai bên đã ký Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam và tháng 11/2011 hai Bên đã ký Hiệp định về việc Nga cấp tín dụng để triển khai dự án trên.

3. Hợp tác văn hóa – du lịch, giáo dục – đào tạo

Các hoạt động giao lưu văn hoá được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết và hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nga. Tháng 11/2010 diễn ra Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam; Những ngày văn hóa Việt Nam đã được tổ chức tại Nga tháng 9/2011. Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách Nga. Từ 01/01/2009, Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho du khách Nga vào Việt Nam dưới 15 ngày.

Trước đây, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40 nghìn cán bộ và chuyên gia giỏi thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Hiện nay, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, năm 2011 Nga tiếp tục cấp cho Việt Nam 345 suất học bổng đại học và sau đại học tại các trường của Nga và sẽ tăng lên 575 suất cho năm 2012. Hiện có khoảng hơn 5000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga. Hai bên đã thỏa thuận thành lập Đại học Công nghệ Việt - Nga tại Việt Nam.

4. Hợp tác trong các lĩnh vực khác

a. Hợp tác an ninh - quốc phòng được đẩy mạnh. Việt Nam và Nga duy trì Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã tiến hành được 13 khoá họp kể từ năm 1999 (Khóa họp thứ 13 diễn ra tháng 11/2011 tại Việt Nam).

b. Hợp tác khoa học – kỹ thuật tiếp tục được duy trì. Hai nước đã thực hiện gần 60 dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Hợp tác nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Trung tâm Nhiệt đới tại Việt Nam mang lại nhiều kết quả tích cực.

c. Hợp tác địa phương tiếp tục được duy trì và tăng cường thông qua trao đổi đoàn và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Nhiều địa phương hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhau, đặc biệt giữa Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh với Mát-xcơ-va và Xanh Pê-téc-bua.

5. Cộng đồng Việt Nam tại Nga

Do yếu tố lịch sử, cộng đồng người Việt Nam (khoảng 60-80 nghìn người) đã tồn tại và làm ăn, sinh sống tại Nga gần hai thập kỷ. Số người Việt Nam định cư ở Nga không nhiều, chỉ khoảng 1%. Thời gian gần đây Nga chủ trương lập lại trật tự trong lĩnh vực lao động nước ngoài tại Nga, đưa ra một số quy định mới, ảnh hưởng nhất định đến việc sinh sống và làm ăn của cộng đồng Việt Nam tại Nga. Đa số đang tìm cách chuyển đổi hình thức kinh doanh, một bộ phận  trở về Việt Nam.

6. Các Hiệp định đã ký kết

Cơ sở điều ước pháp lý mới cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã được tạo dựng khá đầy đủ và đang tiếp tục được hoàn thiện. Từ năm 1991 đến nay đã có trên 60 văn kiện hợp tác đã được ký kết thuộc tất cả lĩnh vực như dầu khí, điện hạt nhân, kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, văn hóa – khoa học, kỹ thuật quân sự, trong đó có một số văn kiện quan trọng như:

+ Hiệp định về xử lý nợ của Việt Nam đối với các khoản tín dụng đã được cung cấp trước đây (9/2000);

+ Hiệp định LCP về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam (10/2010);

+ Hiệp định LCP về tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030 (12/2010);

+ Hiệp định LCP về việc cấp tín dụng cho dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận..../.

(Nguồn: Bộ Ngoại giao cập nhật tháng 6/2012)

 

Bạn đang xem: Giới thiệu về LB Nga
Bài trước Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đăng nhập
Đăng ký
Hotline: 0862528118
x